Module Sinh dục sinh sản là module bắt buộc sinh viên phải học trong chương trình đào tạo bác sỹ y khoa. Nội dung giảng dạy bao gồm các kiến thức về giải phẫu học, mô phôi thai học, y sinh học di truyền, sinh lý học, dược lý học, tác nhân gây bệnh, cơ chế bệnh sinh, hình thái học và sản phụ khoa, được tích hợp theo các chủ đề, tình huống dạy học kéo dài trong 6 tuần. Học xong module này người học có khả năng mô tả được hình thái, cấu trúc, quá trình hình thành hệ thống, cơ quan sinh dục bình thường cũng như bất thường. Mô tả và giải thích được các biểu hiện, dấu hiệu, triệu chứng của thai kỳ bình thường và bất thường. Thực hiện được các kỹ năng giao tiếp với sản phụ, gia đình sản phụ, khai thác được tiền sử, bệnh sử, biết cách khám thai sản bình thường và tư vấn một số trường hợp thai sản bệnh lý, làm được bệnh án sản - phụ khoa. Học xong module này người học có thể vận dụng được kiến thức y học cơ sở về sinh lý học, vi sinh học, y sinh học di truyền, dược lý học, hình ảnh học và sản phụ khoa để nhận định, phiên giải các kết quả xét nghiệm cũng như tư vấn, giáo dục các biện pháp kế hoạch hóa gia đình, sức khỏe sinh sản, quản lý thai nghén, sử dụng thuốc an toàn, hợp lý, phòng chống các bệnh lý lây truyền qua đường tình dục, vô sinh cho người bệnh và cộng đồng. Đồng thời biết đáp ứng phù hợp trước các ca bệnh bình thường và một số tình huống cấp cứu trong sản phụ khoa.
Module Thận - Tiết niệu (S2.10) được giảng dạy trong trong năm thứ 3 của chương trình đào tạo Y khoa, nhằm cung cấp cho sinh viên những kiến thức, kỹ năng và thái độ cần thiết trong chuyên ngành Thận – Tiết niệu, chuẩn bị cho giai đoạn học tập lâm sàng tại bệnh viện. Trong thời gian 6 tuần, sinh viên được tiếp cận những vấn đề cơ bản nhất của chuyên ngành Thận – Tiết niệu thông qua phương pháp giảng dạy tích hợp với sự tham gia của nhiều bộ môn khác nhau, áp dụng những kiến thức của y học cơ sở để giải thích sự hình thành và phát triển, cấu trúc, chức năng bình thường và bất thường của hệ Tiết niệu; vận dụng những kiến thức cơ sở để giải thích nguyên nhân, cơ chế bệnh sinh, dấu hiệu và triệu chứng của bệnh lý Thận – Tiết niệu; hiểu nguyên lý và chỉ định được các xét nghiệm, thăm dò chức năng, chẩn đoán hình ảnh để bước đầu tiếp cận chẩn đoán một số bệnh lý và cấp cứu Thận – Tiết niệu thường gặp; nắm vững cơ chế, dược động học, chỉ định, chống chỉ định của một số thuốc điều trị bệnh thận phổ biến. Những kỹ năng lâm sàng và cận lâm sàng cũng như thái độ chuyên nghiệp trong mối quan hệ giữa nhân viên y tế với người bệnh và thân nhân của họ, giữa nhân viên y tế với nhau cũng được đưa vào giảng dạy, để chuẩn bị hành trang giúp sinh viên tự tin bước vào giai đoạn học tập lâm sàng tại bệnh viện cũng như hành nghề sau này.
Một điểm quan trọng nữa của module Thận – Tiết niệu là sẽ giúp cho sinh viên có thể tổ chức và quản lý việc học của mình trong suốt học phần cũng như hướng dẫn về phương pháp đánh giá, các quy tắc và quy định trong quá trình học, qua đó sinh viên biết cách tổ chức chương trình học tập của mình sao cho có hiệu quả nhất, đạt được những mục tiêu đã đề ra dưới sự trợ giúp của các giảng viên.Module S2.9 là tên của học phần Nội tiết và Chuyển hóa (Endocrinology and Metabolism), thuộc chương trình giảng dạy dành cho sinh viên năm thứ 3 hệ Bác sỹ đa khoa, sau khi đã hoàn thành toàn bộ các module thuốc giai đoạn I. Học phần bao gồm 90 tiết, được giảng dạy trong vòng 8 tuần tại Giảng đường, Phòng thí nghiệm (Labo), Phòng thực hành tiền lâm sàng (Skillab) và một số Bệnh viện.
Module S2.9 được thiết kế để cung cấp cho sinh viên những kiến thức cơ bản về giải phẫu, sinh lý, mô học các tuyến nội tiết. Những kiến thức về y học cơ bản này được lồng ghép vào các tình huống lâm sàng để sinh viên hiểu rõ hơn về các tác dụng sinh lý và bệnh lý của các hormon lên sức khỏe con người. Trong Module này, các bạn sinh viên cũng sẽ bước đầu được thực hành các kỹ giao tiếp, hỏi bệnh sử, tiền sử, làm bệnh án và thăm khám người bệnh nội tiết, nhận định kết quả xét nghiệm... tập trung vào những bệnh nội tiết phổ biến như đái tháo đường, cường giáp, rối loạn lipid máu ...
Hệ thần kinh là cơ quan chi phối các hoat động thần kinh và tâm thần, có nhiệm vụ thực hiện sự thống nhất giữa cơ thể với môi trường bên ngoài, điều phối tất cả hoạt động của cơ quan và môi trường bên trong cơ thể, hoạt động thông qua cơ chế dẫn truyền tín hiệu thần kinh.
Các chức năng chính của hệ thần kinh bao gồm: tiếp nhận và trả lời kích thích từ môi trường, điều khiển - điều hòa hoạt động của các cơ quan trong cơ thể, giúp cơ thể thích nghi với môi trường sống. Ở người, còn có hoạt động của hệ thần kinh cấp cao, giúp con người có đời sống xã hội, tư duy, ngôn ngữ.
Module Khoa học Thần kinh và Hành vi nhằm cung cấp những kiến thức cơ bản về cấu trúc và chức năng của hệ thần kinh, những kiến thức cơ bản về các yếu tố sinh học, tâm lý và xã hội, qua đó, sinh viên có thể áp dụng để giải thích được các hoạt động thần kinh - tâm thần trong điều kiện bình thường và bệnh lý.
Với thời gian 8 tuần, module Khoa học Thần kinh và Hành vi sẽ chú trọng vào:
- Các kiến thức về sự hình thành và phát triển hệ thần kinh, sự hình thành, phát triển của
nhân cách và tâm lý.
- Cấu trúc cơ bản, hoạt động chức năng, cơ sở di truyền - hóa sinh - miễn dịch, các yếu tố tâm lý, xã hội học của hoạt động thần kinh và tâm thần.
Từ đó, những thầy thuốc tương lai sẽ hiểu rõ vai trò, hoạt động của hệ thần kinh, làm cơ sở cho chẩn đoán, điều trị các bệnh lý thần kinh và tâm thần.